Đeo kính cận là cách đơn giản mà thuận tiện nhất cho những ai mắc tật khúc xạ mắt. Tuy nhiên, mang kính cận đúng cách không phải ai cũng làm được. Nắm được cách đeo kính cận đúng sẽ giúp thị lực được tốt hơn, sử dụng kính cận hiệu quả hơn.
Thỉnh thoảng khi đeo kính cận, người ta cũng gặp một số triệu chứng như nhức đầu, nhìn mờ, khó chịu về thị giác, nhìn hai hình,… Đây là những biểu hiện khi mang kính không đúng. Nếu những triệu chứng này kéo dài có thể khiến người đeo kính khó chịu, không muốn đeo kính, làm giảm thị lực.
Dấu hiệu mang kính không đúng
Nhức đầu:
Do độ của kính sai, khoảng cách đồng tử không đúng hoặc độ quang sai của tròng kính hoặc kính chất lượng không tốt.
Nhìn mờ:
Do gọng kính quá chật, độ loạn sai trục.
Khó chịu về thị giác:
Có thể do khoảng cách hai đồng tử bị sai, độ cong đáy của kính mới khác với kích thước của kính cũ hoặc gọng kính không thích hợp (quá nặng hoặc quá nhỏ).
Nhìn hai hình:
Do đeo lăng kính không đúng độ hay độ cận quá cao, cần đổi kính.
Méo hình:
Do dùng mắt kính chất lượng kém hoặc độ loạn và gọng bị sai.
Khi đọc, phải để sách quá gần hay quá xa:
Do bị cườm hoặc kính quá độ, thiếu độ.
Đeo kính lão đọc lâu dễ bị nhức hoặc mỏi mắt:
Do không hòa hợp giữa độ điều tiết và độ quy tụ (vì suy yếu cơ mắt) nên khiến người có tuổi đeo kính lão khó đọc được lâu.
Những nguyên nhân chủ yếu
– Do thể trạng yếu hoặc do độ cận của mắt quá cao khiến mắt phải điều tiết nhiều gây mệt mỏi.
– Đeo kính không đúng với độ cận bắt mắt phải điều tiết, làm việc với cường độ cao. Khi đó, không chỉ dễ bị nhức mắt mà còn dễ nhức đầu.
– Do mắt đã tăng độ cận nhưng không thay kính mới khiến cho mắt kính không còn phù hợp. Hoặc nếu mắt không tăng độ nhưng trong một thời gian dài sử dụng bạn cũng nên thay mắt kính.
– Do sử dụng kính kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến mắt như nhức mắt, mỏi mắt. Hiện nay có nhiều loại kính cận kém chất lượng nên người đeo kính phải phân biệt kỹ.
– Do kính quá chặt ép sát vào mặt và thái dương dễ gây nhức đầu, đau mắt.
Hướng dẫn mang kính cận đúng cách
– Đeo tháo kính đúng cách:
Đỡ kính tháo hoặc đeo vào bằng cả hai tay, để gọng thẳng song song nhau.
– Lúc không đeo kính thì tháo kính ra để đúng vị trí, tốt nhất nên bảo quản ở hộp kính. Để kinh gọn gàng, tránh đụng chạm nhiều làm rơi vỡ kính.
– Chọn tròng kính có xuất xứ và thương hiệu rõ ràng khi mua kính. Bạn nên chọn đúng các thương hiệu mắt kính lớn có nhà phân phối chính thức tại Việt Nam. Như Carl Zeiss của Đức, Essilor của Pháp, Hoya của Nhật, tránh mua tròng sản xuất không rõ của Trung Quốc.
– Không nên đeo kính liên tục cả ngày để khiến mắt mệt mỏi. Thỉnh thoảng nên tháo kính ra và thực hiện vài động tác massage cơ bản cho mắt.
– Nên lưu ý đến ánh sáng nơi làm việc và học tập. Không nên làm việc khi có ánh sáng mạnh chiếu vào mắt hay ánh sáng quá yếu.
– Bạn cần có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi phù hợp để đảm bảo sức khỏe của mắt. Nếu thường xuyên căng thẳng, làm việc quá sức, cơ thể và thị lực của bạn đều sẽ đi xuống.
– Nên bổ sung các loại vitamin đặc biệt vitamin A để giúp mắt khỏe và không tăng độ. Hạn chế các loại thực phẩm có chất kích thích như thuốc lá, cà phê hay đường.
– Duy trì thói quen đi khám mắt thường xuyên, ít nhất sau mỗi 6 tháng và thay kính mới khi cần thiết.
Chăm sóc sức khỏe đôi mắt là điều cần thiết cho tương lai của bạn.
Anh Như